Nhiều nhóm cực hữu Ukraine đang gây sức ép để chính phủ cứng rắn với Nga giữa khủng hoảng, phản đối mọi tín hiệu nhượng bộ trước Moskva.
Yuri Hudymenko, nhà hoạt động chính trị và thành viên nhóm dân quân Democratic Ax (Rìu Dân chủ) tại Ukraine, tuyên bố luôn sẵn sàng cầm súng
chiến đấu, bất kể mối đe dọa toàn vẹn lãnh thổ Ukraine đến từ Nga hay chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
"Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề Nga bằng cách này hay cách khác", Hudymenko tuyên bố. "Nếu bất kỳ ai trong chính phủ Ukraine tìm cách ký một thỏa
thuận nhượng bộ, một triệu người sẽ xuống đường và chính phủ sẽ không thể tồn tại nữa".
Giọng điệu quyết liệt từ những nhóm cực hữu như Rìu Dân chủ đang đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc khủng hoảng Ukraine, giữa giai đoạn căng thẳng
Nga - phương Tây tăng nhiệt.
Mỹ cùng đồng minh NATO cáo buộc Nga đã triển khai hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến công nước láng giềng. Điện Kremlin
liên tục bác bỏ cáo buộc từ phương Tây, nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ Nga chỉ phục vụ mục tiêu diễn tập phòng thủ.
Vị trí vùng Donbass, nơi lực lượng dân quân thân Nga đang kiểm soát một bộ phận lãnh thổ thuộc hai tỉnh Donetsk và Luhansk từ năm 2014.
Đồ họa: Washington Post.
Moskva cuối năm ngoái gửi 8 đề xuất an ninh tới phương Tây, bày tỏ lo ngại về tiến trình mở rộng về phía đông của NATO và yêu cầu đưa ra đảm bảo
liên minh quân sự này sẽ không kết nạp Ukraine làm thành viên. Giới chức Nga nhiều lần kêu gọi phương Tây tôn trọng những lo ngại an ninh chính
đáng của Moskva, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu các yêu cầu an ninh cốt lõi không được đáp ứng.
Trước nguy cơ một cuộc chiến tổng lực nổ ra ở châu Âu, một số lãnh đạo phương Tây đang đề xuất các phương án đàm phán cùng Moskva để tháo gỡ
ngòi nổ xung đột. Tuy nhiên, bất cứ giải pháp chính trị nào cũng có thể buộc Ukraine phải chấp nhận những nhượng bộ đáng kể.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tuần trước nhắc lại yêu cầu thực thi Thỏa thuận Minks do Bộ tứ Normandy, gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức, ký năm
2015, trong đó yêu cầu Kiev công nhận quyền tự trị cho khu vực ly khai Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass.
Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn đề xuất giải pháp biến Ukraine thành một nước trung lập giữa Nga và NATO, tương tự vai trò của Phần
Lan trong Chiến tranh Lạnh. Với vai trò này, Ukraine sẽ không thể tham gia bất kỳ tổ chức phòng thủ tập thể nào.
Lãnh đạo Pháp nhiều tuần qua thể hiện rõ mong muốn hồi sinh các vòng đàm phán đa phương về lộ trình chấm dứt chiến sự ở Donbass, khu vực phía
đông Ukraine mà phong trào ly khai đã thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt có tên gọi Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân
Luhansk (LPR) tự xưng.
Macron vạch tầm nhìn lấy Thỏa thuận Minsk làm tiền đề mở rộng đàm phán, chấp nhận một số đề nghị từ Nga làm giảm vai trò của NATO trong cấu trúc
an ninh châu Âu và khóa trái cánh cửa gia nhập liên minh quân sự cho Ukraine. Bản thân Zelensky cũng đang cân nhắc lựa chọn không gia nhập NATO
để tránh nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Tuy nhiên, các nhóm cựu hữu tại Ukraine đang là chướng ngại vật lớn nhất ngăn Kiev ngồi vào bàn đàm phán với phe ly khai ở Donbass. Họ không chấp
nhận bất kỳ thỏa hiệp chính trị nào với lực lượng ly khai miền đông chừng nào những "tay súng Nga" chưa rút khỏi khu vực.
Trong khi Kiev và NATO cáo buộc Nga triển khai lực lượng tham chiến tại Donbass, Điện Kremlin nhiều lần khẳng định họ không đưa binh sĩ tới đây, còn
những người Nga đến tham chiến trong khu vực đều là tình nguyện viên.
Phong trào cực hữu có thể trở thành "con dao hai lưỡi" đối với Tổng thống Zelensky trên bàn đàm phán giữa các cường quốc.
Trước mối đe dọa từ Nga, chính phủ Ukraine gần đây kêu gọi đầu tư vũ trang nhiều hơn cho các nhóm dân quân và đảng chính trị mang lập trường diều
hâu như Rìu Dân chủ của Hudymenko, hay hiếu chiến hơn như Right Sector (Cánh hữu). Họ kỳ vọng nỗ lực này có thể tạo ra phong trào kháng chiến
quyết liệt nếu Nga tiến đánh Ukraine, khiến giới lãnh đạo ở Moskva chùn bước trước viễn cảnh sa lầy vào một cuộc chiến lâu dài.
Nhưng phong trào chính trị cực đoan này cũng tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ với chính sách đối ngoại của Kiev. Lực lượng này đã đe dọa sẽ gây bất ổn và
chống đối chính quyền Tổng thống Zelensky nếu ông chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào chứa quá nhiều nhượng bộ với Moskva.
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vài ngày qua đều lên tiếng bày tỏ lo ngại về làn sóng cực đoan. Họ cảnh báo tình hình bất ổn nội bộ xuất
phát từ nỗi lo chiến tranh với Nga đang ở mức nguy hiểm hơn cả viễn cảnh chiến tranh.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Zelensky cáo buộc nhóm Rìu Dân chủ âm mưu tổ chức biểu tình vũ trang ở Quảng trường Độc lập giữa thủ đô Kiev và toan tính
đảo chính. Sức ép từ các nhóm cực hữu khiến Zelensky, sau gần ba năm nhậm chức Tổng thống, vẫn không tìm được cách hiện thực hóa lời hứa đàm phán
hòa bình với Moskva và chấm dứt chiến sự ở miền đông Ukraine.
Theo giới phân tích tình hình Ukraine, Tổng thống Zelensky không thể xem nhẹ nguy cơ biểu tình lật đổ chính phủ do phe cực hữu tiến hành, nhất là khi kịch
bản này đã xảy ra hai lần ở Ukraine trong vòng ba thập niên qua. Ông có thể hứng chịu hệ lụy chính trị khó lường ngay khi phát đi tín hiệu sẵn lòng ủng hộ một
thỏa thuận được cho là có điều khoản bất lợi cho Ukraine.
Hudymenko bác bỏ cáo buộc nhóm Rìu Dân chủ âm mưu đảo chính vào năm ngoái, đồng thời khẳng định mọi hoạt động của nhóm, trong đó có huấn luyện kỹ
năng quân sự cho dân thường, đều tuân thủ pháp luật. Hudymenko nhấn mạnh công dân Ukraine có quyền biểu tình ôn hòa theo pháp luật, nhưng đồng thời có
cả "văn hóa biểu tình và bạo loạn".Oleksandr Ivanov, lãnh đạo một nhóm cựu hữu ở Kiev, cho rằng Tổng thống Macron muốn "hy sinh chủ quyền Ukraine để xoa
dịu Nga", nhưng lãnh đạo Pháp cùng các nhà ngoại giao phương Tây không hiểu cách vận hành của xã hội Ukraine. Ông nhấn mạnh phong trào xã hội dân sự tại
Ukraine có nhiều sức ảnh hưởng hơn các chính đảng.
Ngay cả truyền thông Ukraine cũng khuyến khích người dân biểu tình quy mô lớn nếu Tổng thống Zelensky để cho các nước lớn "mặc cả trên lưng quốc gia".
Hudymenko dự báo làn sóng biểu tình phản đối thỏa thuận bất lợi cho Ukraine khó có khả năng diễn ra trong ôn hòa, nhưng ông không chắc viễn cảnh Tổng
thống Zelensky mất ghế có đủ sức chấm dứt bất ổn hay không.
"Đe dọa chiến tranh cũng chỉ là đe dọa, nhưng nếu ông ấy ký một thỏa thuận nhượng bộ, chắc chắn sẽ có biểu tình", Ivanov tuyên bố.
Leave a comment